Có người cho rằng đầu tư vào kinh doanh là cách nhanh nhất để trở nên giàu có. Thật đúng như vậy! Nhưng may mắn không phải lúc nào cũng mỉm cười với chúng ta và đầu tư cũng không phải là con đường trải đầy hoa hồng.
Giống nhưng bất kì lĩnh vực nào khác, muốn kinh doanh thành công, bạn phải nắm vững một số nguyên tắc nhất định. Các nguyên tắc này không những có thể áp dụng vào việc đầu tư kinh doanh mà còn giúp bạn thành công hơn trong cuộc sống.
– Những lựa chọn kinh doanh tại nhà có rủi ro thấp không cần nhiều vốn
– 8 điều để khiến khách hàng tin tưởng đến website của bạn hơn
– Chữ Tín – yếu tối quyết định thành công trong kinh doanh
1/ Biết mình biết ta
Tự đánh giá bản thân giúp bạn tìm ra lĩnh vực đầu tư kinh doanh phù hợp
Từ cổ chí kim, câu nói “Biết mình biết ta/ Trăm trận trăm thắng” đã trở thành kim chỉ nam của rất nhiều thế hệ. Trước khi làm bất cứ việc gì, bạn cũng phải tự đánh giá bản thân trước, sau đó là đến đối thủ. Có như vậy ta mới phát huy điểm mạnh, khắc phục điểm yếu của mình. Muốn thành công trong kinh doanh, bạn cũng phải “biết mình biết ta…” Thay vì nghe theo những lời chào mời ngon ngọt từ các công ty hay xuôi theo lời rủ rê của bạn bè thì chính bạn phải là người lựa chọn. Hãy xác định:
– Đâu là thế mạnh của mình?
– Khả năng tài chính như thế nào?
– Mục tiêu đề ra gồm có những gì?
– Mong muốn thu lại những gì?
– Lĩnh vực đầu tư có triển vọng không?
– Rủi ro có thể xảy ra?
2/ Sức chơi sức chịu
Lợi nhuận tỉ lệ thuận với rủi ro
Tùy vào chiến lược đã đề ra, bạn sẽ quyết định nên đầu tư vào lĩnh vực nào và đầu tư bao nhiêu. Có một số quy luật nhất định trong việc đầu tư mà bạn phải biết:
Tuyệt đối không đầu tư hết những gì bạn đang có: Hãy dành ra một ít dự phòng để xoay sở khi gặp khó khăn. Giải pháp thông minh dành cho ai thích đầu tư kinh doanh là thiết lập quỹ rủi ro. Quỹ này sẽ dùng tới khi bài toán đầu tư đi sai hướng.
Lợi nhuận tỉ lệ thuận với rủi ro: Những lĩnh vực có mức lợi nhuận cao luôn luôn kèm theo nhiều rủi ro, nếu bạn thuộc dạng tinh thần thép thì có thể tham gia cuộc chơi của những người có máu… liều để thu lại nhiều. Còn nếu bạn thích chậm mà chắc thì hãy chia đều giữa lợi nhuận và rủi ro. Hãy nhớ: Mật ngọt thì chết ruồi.
3/ Không há miệng chờ sung
Bạn nên tìm kiếm cơ hội thay vì đợi chờ
Vì kinh doanh là một cuộc cạnh tranh khốc liệt, nếu bạn không biết tự thân vận động thì sẽ bị bỏ lại phía sau. Trên thương trường, chẳng ai cho không ai bất cứ điều gì. Những lợi ích người khác mang lại cho bạn đều là một sự trao đổi ngầm, nếu bạn đưa tay ra nhận thì đến một ngày nào đó bạn ắt sẽ phải đền đáp. Đó là chưa kể đến trường hợp, bạn đang bị “người tốt” dắt mũi vào một cái bẫy nào đó. Thay vì chờ đợi sự giúp đỡ của người khác thì bạn hãy tự tìm kiếm cơ hội đầu tư cho riêng mình.
Tuy nhiên, trong quá trình tự thân vận động, bạn phải giữ cho mình một cái đầu lạnh để tránh bị “hớ”. Nhất là trong việc đầu tư vốn kinh doanh, nếu không tìm hiểu cẩn thận bạn rất dễ gặp phải công ty “ma”, dự án “ma”…
4/ Học, học nữa, học mãi
Học không bao giờ là thừa
Việc học chưa bao giờ là đủ. Chính vì thế, bạn hãy tranh thủ thời gian trau dồi thêm kiến thức chuyên môn và tìm hiểu về lĩnh vực sắp đầu tư để có thêm cơ hội thành công. Hiện nay, bạn có thể tiếp cận với kiến thức ở rất nhiều nguồn: báo chuyên ngành, sách giấy, e-book… hoặc từ đàn anh đàn chị đi trước.
Sống trong thời đại mới với nền kinh tế biến động không ngừng đòi hỏi người tham gia đầu tư kinh doanh phải liên tục cập nhật những kiến thức mới. Đừng áp dụng chiến lược đầu tư từ năm 2000 vào tình hình năm 2018. Việc học thêm kiến thức mới là cách hiệu quả để đầu tư cho bản thân. Bạn nên nhớ, đầu tư cho bản thân là sự đầu tư không bao giờ lỗ!
5/ Biết nhìn về tương lai
Bạn phải luôn phấn đấu và có cái nhìn tích cực
Muốn kinh doanh thành công bạn phải biết nhìn về tương lai. Những sai lầm sẽ giúp bạn có thêm kinh nghiệm, thành công sẽ giúp bạn có thêm sự tự tin. Tuy nhiên, bạn nên nhớ: thay vì buồn rầu về thất bại từng trải hay tự mãn về những thành công đã đạt được thì bạn phải phấn đấu luôn ngừng nghỉ.
Hãy lên kế hoạch cho từng dự án và thường xuyên checklist để kiểm tra tiến độ công việc. Không chỉ riêng đầu tư kinh doanh, bạn cũng nên lập kế hoạch cho chính cuộc đời của mình. Không ai quyết định bạn sẽ trở thành người như thế nào, ngoại trừ chính bản thân bạn. Trong đầu tư kinh doanh, bạn cần có tầm nhìn xa và nhanh nhạy nhận ra các ngành đang tăng trưởng.
6/ Đi từng bước
Đi từng bước trong kinh doanh là điều cần thiết
Muốn đi xa, hãy đi chậm. Muốn thu lại lợi nhuận lớn, hãy bắt đầu từ những dự án nhỏ – đây chính là thử nghiệm. Nếu bạn muốn kinh doanh thời trang thì khoan vội thuê mặt bằng lớn hay nhập nhiều mặt hàng. Đầu tiên, hãy thử thành lập một mô hình nhỏ bằng cách bán online trên facebook. Song song đó, bạn bắt đầu bán lẻ tại nhà. Sau một, hai tháng đầu mà kết quả khả quan thì bạn tiếp tục phát triển, mở rộng quy mô kinh doanh. Còn không thì ngừng lại và tìm hướng đi mới.
Việc đầu tư hết những gì mà có vào một lĩnh vực và chờ đợi thu việc lợi nhuận khủng là điều nghe có vẻ không khả thi cho lắm. Tại sao bạn không thử đầu tư vào một số lĩnh vực để hạn chế rủi ro và có thêm cơ hội thu lợi nhuận.
Đối với những ai có ý định chuyển hướng đầu tư kinh doanh vào lĩnh vực khác thì nên bắt đầu tìm hiểu về lĩnh vực đó càng sớm càng tốt. Các bước chuẩn bị kiến thức ban đầu sẽ giúp ích cho bạn rất nhiều.
7/ Ăn chắc mặc bền
Chỉ đầu tư khi tỉ lệ thành công cao
Nếu muốn hạn chế tối đa rủi ro, bạn chỉ nên đầu tư khi có xác suất tương đối cao. Hãy tránh xa những cuộc chơi đầy mạo hiểm với lời mời lợi nhuận khổng lồ. Đừng để cảm xúc chi phối lý trí của bạn, có khi một phút cao hứng có thể khiến bạn mất đi tất cả.
Trong mọi trường hợp, hãy luôn tự đặt ra câu hỏi: Việc đầu tư này có mang lại lợi nhuận cho tôi không? Lợi nhuận mang lại là bao nhiêu? Trong thời gian bao lâu thì đạt được lợi nhuận mong muốn? Dù biết rằng, mạo hiểm trong kinh doanh có thể là bước ngoặt giúp bạn thành công nhanh chóng nhưng vận may không mỉm cười với tất cả mọi người.
8/ Không giao việc kinh doanh cho bất cứ ai
Đừng nên tin ai, ngoài bản thân bạn
Nếu tìm được một người mà mình tin tưởng tuyệt đối và có năng lực thật sự thì trong những trường hợp bất đắc dĩ thì bạn có thể tạm trao quyền kiểm soát kinh doanh cho người đó. Chính bạn phải là người đưa ra quyết định cuối cùng với số tiền của mình. Bạn biết không, những người giàu có luôn tìm cách để có thêm càng nhiều tiền càng tốt và hạn chế tối đa các khoản chi tiêu, thất thoát. Dù đầu tư kinh doanh quy mô nhỏ hay lớn thì bạn cũng phải là người nắm tình hình tài chính.
Tóm lại, Kinh doanh thành công là khi bạn biết nắm bắt cơ hội và ghi nhớ những nguyên tắc trên. Đầu tư kinh doanh là một hành trình, nếu bạn kiên trì thì sẽ gặt hái được thành quả như mong đợi. Chúc bạn thành công!